cá cược thể thao online express - web cá độ thể thao uy tín

Vietnamese Vietnamese

(KGO) - Nguyễn Trung Trực - tấm gương về lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm. Ông khiến quân thù khiếp sợ với nhiều chiến công hiển hách và câu nói đi vào sử sách: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”…

NGƯỜI ANH HÙNG BẤT TỬ

Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Quản Lịch, Quản Chơn.

Ông sinh năm 1838, gia đình sống bằng nghề chài lưới ở Xóm Nghề, ven sông Bến Lức (Long An). Nguyên quán của Nguyễn Trung Trực ở Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát (Bình Định). Nội tổ của Nguyễn Trung Trực là ông Nguyễn Văn Đạo - một ngư dân ở huyện Phù Cát, phủ Quy Nhơn, di cư vào Xóm Nghề trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên có công khai phá, lập nên Xóm Nghề.

Đến đời thân sinh Nguyễn Trung Trực, gia đình ông đã khá giả, có đất hiến cho làng làm công điền. Từ nhỏ Nguyễn Trung Trực được học cả văn lẫn võ. Về võ, ông được đào tạo tại một lò võ ở rạch Bảo Định. Dựa vào tính tình cương trực, chân chất, hay cưu mang giúp kẻ thế cô, thầy đặt tên cho ông là Trực (tức tính ngay thẳng)…

1

Lễ dâng hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 2020 tại TP. Rạch Giá.

Tháng 2-1859, Pháp đánh Gia Định. Năm 1861, Trương Định lúc đó giữ chức Phó Quản cơ Gia Định chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức đánh Pháp nhiều trận. Khi Đại Đồn (ở phía Tây Sài Gòn) bị thất thủ, quân của triều đình theo lệnh rút về Biên Hòa. Trương Định đưa quân về đóng giữ xứ Gò Thượng, huyện Tân Hòa (Tiền Giang) để củng cố đội ngũ.

Tại đây, Nguyễn Trung Trực gia nhập nghĩa quân. Ông sớm bộc lộ tài năng nên được Trương Định trọng dụng, cho làm quyền sung quản binh đạo.

Thời gian này, Nguyễn Trung Trực được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, lập nhiều công trạng, tiêu biểu nhất là trận đánh chiếm và đốt cháy tàu Pháp tại vàm Nhựt Tảo (Long An) ngày 10-12-1861. Tiếp đó, Nguyễn Trung Trực lại chỉ huy nghĩa quân tấn công một tiểu hạm khác của Pháp trên rạch Tra (Gò Công)…

Năm 1867, Nguyễn Trung Trực được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Định rồi Thành thủ úy Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp về Hà Tiên thì Hà Tiên đã lọt vào tay quân Pháp (ngày 24-6-1867). Nguyễn Trung Trực rút quân về Hòn Chông, mở rộng hoạt động về vùng U Minh (huyện An Biên ngày nay).

Sau một thời gian, Nguyễn Trung Trực kết nối với một số nghĩa sĩ ở vùng Tà Niên như Lâm Quang Ky, Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hồng Văn Ngàn, Nguyễn Văn Miên… nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động ra hướng Rạch Giá.

Đêm 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lợi dụng lúc trời còn tối đã tổ chức đánh úp, diệt và thiêu rụi đồn Kiên Giang, làm chủ tình hình nơi này một tuần lễ.

Quân Pháp phải điều quân từ Vĩnh Long qua Kiên Giang để chiếm lại tỉnh lỵ Rạch Giá.

2

Người dân thắp hương tri ân cụ Nguyễn tại Di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực quân ít, thế yếu phải rút khỏi Rạch Giá để bảo toàn lực lượng và lui về Hòn Chông. Quân Pháp tiếp tục đưa quân truy theo, quyết tiêu diệt nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực quyết định rút ra Phú Quốc. Quân Pháp tiếp tục tăng thêm viện biên ra Phú Quốc.

Sau một thời gian cầm cự, do lực lượng quá chênh lệch, điều kiện hoạt động khó khăn, nghĩa quân ngày càng suy kiệt dần trong khi quân Pháp được sự bày mưu, hiến kế, tiếp tay đắc lực của số Việt gian, chúng dùng cả thủ đoạn bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực và một số người dân làm con tin.

Chúng công khai khủng bố người dân để trấn áp tinh thần của ông và nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân ngày càng yếu thế, Nguyễn Trung Trực quyết định hy sinh bản thân, ra đương đầu với quân Pháp mà không hề nao núng.

Ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực đã sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa ông về Sài Gòn, dùng nhiều cách tra khảo và chiêu dụ ông đầu hàng, quy thuận nhưng đều thất bại. Biết không thể mua chuộc được ông, Pháp đưa ông về Rạch Giá xử chém, ngày 27-10-1868.

NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH

Từ năm 1860, Nguyễn Trung Trực tham gia đạo binh của Trương Định, góp phần chống giữ đồn Kỳ Hòa.

Ngày 24-2-1861, đồn Kỳ Hòa thất thủ, Trương Định lui về Gò Công, còn cánh quân của Nguyễn Trung Trực hoạt động ở khu vực Tân An. Chiếm được Gia Định, quân Pháp bắt đầu đánh chiếm rộng ra các tỉnh khác ở Nam bộ.

Cuối tháng 3-1861, quân Pháp theo đường kênh Bảo Định, từ sông Vàm Cỏ Tây đánh chiếm thành Định Tường. Tại vàm sông Nhựt Tảo, quân Pháp đưa tiểu hạm Espérance thường trực án ngữ. Trên bờ, quân Pháp cho lập một đồn mới tại chợ Nhựt Tảo do 20 lính tập người Việt đóng giữ.

Trên tàu Espérance có một đội quân, khoảng 45 người, có trang bị một khẩu đại bác. Ở trên bờ, đối diện với tàu có khoảng 20 người lính bản xứ được bố trí sẵn sàng yểm trợ cho tàu. Tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy của viên Trung úy Parfait.

3

Hàng năm, vào ngày giỗ cụ Nguyễn, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành tỉnh Kiên Giang lập đoàn viếng, dâng hương tri ân công đức Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Về phía nghĩa quân, quân Pháp ước tính đội nghĩa quân tham gia trực tiếp đánh tàu Espérance khoảng 150 người, được vũ trang bằng giáo, mác, kiếm và lúc nhảy lên tàu có mang theo cả đuốc, được đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Trung Trực.

Theo tác giả Đào Văn Hội, trong sách "Tân An ngày xưa" đã họa lại trận đánh như sau: Chỉ huy trận này là Quản Lịch cùng với hai Phó quản cơ là Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang và 59 dân binh.

Ngoài ra còn có sự phối hợp của một vài người trong bộ máy hành chính của làng Nhựt Tảo như hai anh em cai tổng Hồ Quang Minh và hương thân Hồ Quang Chiêu. Nguyễn Trung Trực giao cho Huỳnh Khắc Nhượng và Nguyễn Văn Quang, mỗi người dẫn một đội quân tiến đến chỗ tàu Pháp đậu bằng cách men theo hai bờ sông để giặc khó phát hiện, khi tới gần mục tiêu thì dừng lại mai phục và đợi lệnh tấn công.

Còn Nguyễn Trung Trực cùng với 59 cảm tử quân tiến thẳng đến chỗ các tàu Pháp, giả làm đoàn thuyền rước đám cưới… Đội quân của Nguyễn Trung Trực đã tiến sát mục tiêu và cập được vào mạn tàu Pháp rồi thình lình tấn công vào giữa lúc lính tráng trên tàu còn đang nghỉ ngơi.

Nguyễn Trung Trực là người đầu tiên lên tàu và 4 tên lính Pháp bị hạ ngay tức khắc. Quân Pháp bị tấn công bất ngờ không kịp trở tay; một số nhảy xuống sông, một số chết ngay trong đợt tấn công đầu, số còn lại ôm súng bắn bừa bãi. Hiệu lệnh được ban ra, các đội quân phục kích của Nguyễn Văn Quang và Huỳnh Khắc Nhượng cũng xáp chiến, một phần tấn công vào đám lính mã tà nằm trên bờ yểm trợ cho tàu Espérance, một phần nhảy xuống tàu.

4

Khách thập phương thắp hương tại Di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực.

Nghĩa quân dùng búa định đập bể vỏ tàu nhưng không được bèn nổi lửa đốt tàu. Nghĩa quân rút lui trên các ghe của mình. Sau trận đánh, 17 lính vừa Pháp vừa Tagal trên tàu bị giết chết, 3 lính Tagal khác bị nghĩa quân bắt nhưng đã thoát được vào lúc tàu nổ.

Được tin về thảm họa vừa xảy ra, Trung úy Parfait đang bận đuổi theo một toán nghĩa quân ở cách đó khoảng 2 dặm, đã tới tàu Garon, cũng đậu trên sông Vàm Cỏ, xin viện binh và trở lại chỗ xảy ra trận chiến ngay ngày hôm đó. Không gặp được một nghĩa quân nào, Parfait trút cơn tức giận lên nhân dân làng Nhựt Tảo bằng cách ra lệnh đốt cả làng…

Sau trận vàm Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực còn chỉ huy một số trận đánh khác trên đất Long An, trong đó nổi bật là tấn công một tiểu hạm của Pháp trên rạch Tra ngày 16-12-1862, tiêu diệt Đại úy, Chỉ huy trưởng Thouroude và một số lính pháp, lấy được hầu hết khí giới… 

Ngày 24-6-1867, Hà Tiên rơi vào tay Pháp. Nguyễn Trung Trực về Hòn Chông củng cố lực lượng, tìm cách tấn công quân Pháp. Ông đã mở rộng địa bàn hoạt động về vùng U Minh, kết giao với nhiều nhân sĩ yêu nước trong vùng, gây dựng lực lượng.

Thời gian này, Lâm Quang Ky gia nhập hàng ngũ của Nguyễn Trung Trực, đồng thời tiến cử một số người khác. Nguyễn Trung Trực tập trung nghĩa quân ở Tà Niên, cách trung tâm Rạch Giá khoảng 10km. Đây là nơi Nguyễn Trung Trực tổ chức cho nghĩa quân luyện tập ngày đêm để thực hiện ý định đánh đồn Kiên Giang.

Đêm 16-6-1868, đoàn nghĩa quân từ Tà Niên men theo bờ biển đổ bộ lên bờ cạnh Lăng Ông, gần sáng thì tấn công đồn. Theo hiệu lệnh của Nguyễn Trung Trực, nghĩa quân dùng mã tấu diệt 2 lính gác, xông vào đồn. Quân Pháp không kịp phản ứng, nhiều tên bị giết ngay trên giường ngủ; vài tên còn tỉnh táo cầm súng bắn trả, nhưng không kịp nạp đạn lần thứ ba. Chỉ có 5 lính Pháp trốn ra được khỏi đồn, số còn lại trong đồn đều bị diệt, kể cả viên Chủ tỉnh người Pháp. Số địch quân bị giết, nếu chỉ kể riêng người Pháp thì gồm có Chủ tỉnh Chánh Phèn, 5 sĩ quan, 67 lính và quan chức người Việt làm việc cho Pháp, bắt sống 6 tên, đoạt trên 100 khẩu súng và một kho đạn.

Sau khi đánh chiếm xong đồn Kiên Giang, mãi đến hai ngày sau, bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Long mới hay tin. Từ Vĩnh Long chúng đánh điện lên Mỹ Tho xin viện binh. Địch tiến quân chậm chạp vì sợ bị phục kích…

Sau 3 ngày chiến đấu với lực lượng không cân sức, để bảo toàn nghĩa quân, Nguyễn Trung Trực ra lệnh rút lui về Hòn Chông. Ngày 21-6-1868, địch đã chiếm lại đồn. Tuy chỉ làm chủ đồn trong vòng 6 ngày, nhưng thực dân Pháp đã thừa nhận trận đánh đồn Kiên Giang là một sự kiện bi thảm mà hậu quả tất yếu làm tổn thương đến uy tín của chúng…

5

Người dân về dự lễ hội Nguyễn Trung Trực.

NHỮNG TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG Ở PHÚ QUỐC 

Trong thời gian Nguyễn Trung Trực rút quân ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp cho đến khi bị bắt đã để lại cho vùng đất này nhiều huyền thoại.

Người dân Phú Quốc kể, khi ông Nguyễn rời Hòn Chông đưa khoảng 40 ghe chở đầy nghĩa quân thẳng ra Phú Quốc. Lực lượng ghé vào bãi biển Hàm Ninh - là nơi ông quyết định xây dựng căn cứ chiến đấu lâu dài với quân Pháp.

Giặc Pháp biết tin, đưa tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn, người dân quen gọi là Đội Tấn và hơn trăm lính mã tà ra tấn công Hàm Ninh. Lúc này, nghĩa quân có khoảng 300 người. Tàu Pháp đậu ở ngoài khơi bắn pháo vào bờ. Sau những đợt bắn pháo dồn dập, chúng cho một số lính lên bờ thăm dò, nhưng khi đến bìa rừng phía cửa sông là đám quân do thám ngán ngại không dám tiến sâu hơn.

Nguyễn Trung Trực liền nghĩ ra cách để phát huy hiệu quả hơn kế đa quân đã bày ra. Ông chia nhỏ nhóm quân đang trấn giữ đầu cửa sông thành từng nhóm nhỏ, mỗi người cầm thêm một con bù nhìn và giả thành nhiều giọng nói khác nhau. Một nhóm khác chèo mấy chiếc thuyền đi theo một con lạch nhỏ luồn bờ đi về phía cửa sông Cửa Lấp. Nhóm quân đi thuyền này cố tình quấy động, tạo thành nhiều đợt đi ra đi vào. Từ ngoài ra nhìn vào, quân Pháp tưởng có một đạo quân thủy rất đông đang hoạt động ở vùng Cửa Lấp.

Quân Pháp tổ chức đổ quân lên bờ đánh vào căn cứ nghĩa quân. Trên bờ, nghĩa quân cũng dùng súng gỗ bắn trả lại. Hai bên đánh nhau quyết liệt. Quân Pháp không dám mạnh tay tấn công vào căn cứ. Chúng bèn cho tàu chiến vây chặt các cửa sông trên đảo Phú Quốc, chặn hết đường tiếp tế và đường rút khỏi đảo của nghĩa quân. Nghĩa quân cũng không thể rời đảo được nhưng nhờ kế đa quân nên cuộc chiến đấu của nghĩa quân ở Phú Quốc đã được kéo dài cho đến khi Nguyễn Trung Trực bị mắc kế hiểm của Đội Tấn phải tự nộp mình cho quân Pháp.

6

Di vật của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Bắt được Nguyễn Trung Trực, quân Pháp đưa về Sài Gòn thẩm vấn. Chúng chiêu dụ đủ đường, chức cao, lộc trọng nhưng vẫn không lay chuyển được ông. Quân Pháp đưa ông về Rạch Giá để xử chém ngày 27-10-1868.

Tác giả của bộ sách gồm hai tập Les premières années de la Cochinchine colonie franCaise (Những năm đầu của Nam kỳ thuộc Pháp) xuất bản năm 1874, ở phần cuối tập hai của bộ sách có viết về nội dung cuộc thẩm vấn Nguyễn Trung Trực do Trung úy hải quân Piquet thực hiện tại ngục thất Sài Gòn. Tài liệu được tóm lược như sau:

Sau khi Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh đồn Kiên Giang, chỉ huy quân Pháp đã điều sĩ quan Rivière cùng một đội quân về Hà Tiên cùng Lãnh binh Huỳnh Văn Tấn tổ chức đưa quân ra Phú Quốc tìm bắt Nguyễn Trung Trực...

Gần 3 tháng sau, ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt được và giải về Sài Gòn. Tại đây, Pháp cho khảo cung trước khi bị tuyên án tử hình và đưa về Rạch Giá hành hình. Bản khảo cung gồm19 câu hỏi và đáp. Tất cả các câu hỏi đều xoay quanh trận đánh đồn Kiên Giang.

Quá trình khảo cung do Piquet trực tiếp thực hiện. Nguyễn Trung Trực tỏ ra cương quyết và rất đường hoàng. Pháp thấy ở Nguyễn Trung Trực một người trung hiếu, nghĩa khí và có ảnh hưởng lớn đến phong trào chống Pháp ở Nam bộ nên ra sức chiêu dụ. Huỳnh Văn Tấn và các viên chỉ huy Pháp hứa hẹn ban chức tước, lợi lộc nhưng chẳng lay chuyển được ông.

Ông trả lời dứt khoát: “Nếu có chức vụ nào giết hết Tây dương cướp nước thì ta nhận chức đó”.

Và khẳng định ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". Theo tài liệu của Pháp, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp xử chém tại Rạch Giá vào ngày 27-10-1868.

7

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2022) được tổ chức trong điều kiện bình thường mới, thu hút rất đông khách thập phương về dự.

Tương truyền, ngày Nguyễn Trung Trực bị xử chém, dân chúng thương tiếc người anh hùng đã làm lễ tế tiễn ông dọc hai bên đường. Trước khi hành quyết Nguyễn Trung Trực, Pháp hỏi ông có cần gì không, ông chỉ xin uống một trái dừa tươi. Uống xong, ông ngâm bài thơ tuyệt mệnh:

“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,

Yêu gian đảm khí hữu long tuyền,

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.

Bảo hận thâm cừu bất đái thiên”.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.

Anh hùng gặp phải hồi không đất,

Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt cũng khóc Nguyễn Trung Trực bằng một bài thơ, ca ngợi hai chiến công bất hủ và khí phách oanh liệt của người anh hùng:

Thắng phụ nhung trường bất túc luân,

Đồi ba để trụ ức ngư dân.

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần…

Triệu Dương dịch nghĩa:

Thua được ở chiến trường không cần bàn đến,

Chỉ nhớ người dân chài đã làm cột đá trong lúc sóng lở

Lửa đỏ vàm Nhựt Tảo vang động trời đất,

Gươm vung lên ở Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc…

                                                                         TRUNG HIẾU lược trích

Theo quyển “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực” và quyển “Nguyễn Trung Trực người Anh hùng bất tử Nam Bộ”.

* Nguồn: báo Kiên Giang

Liên hệ