cá cược thể thao online express - web cá độ thể thao uy tín

Vietnamese Vietnamese

 

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin (1870 -2020)

V.I. Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác thành học thuyết Mác - Lênin, mở ra trang sử mới cho cách mạng vô sản thế giới. Trong đó, Người đã kế tục tư tưởng, lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen về những tiền đề vật chất, mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cuộc cách mạng vô sản vào thực tiễn nước Nga; cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo các tầng lớp nhân dân và binh lính làm nên Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) “rung chuyển thế giới”. Sau sự kiện trọng đại này, Người đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

1

V.I. Lênin phát biểu trước quần chúng nhân dân sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 (ảnh tư liệu)

Kế thừa và phát triển sáng tạo di sản tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I. Lênin đã sáng tạo học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa đế quốc. Theo Người, để trở thành chính đảng của giai cấp công nhân trước hết phải lấy chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng; bởi, “Chủ nghĩa Mác là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản”1 và “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”2. Quy luật ra đời của Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân. Đảng là một bộ phận của giai cấp công nhân, đội tiên phong chính trị có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân; song, “Không được lẫn lộn Đảng, tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp”3. Khi có chính quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội và là một bộ phận của hệ thống đó. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Đảng là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển. Đoàn kết, thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng, nguồn sức mạnh vô tận của Đảng và là điều kiện để đoàn kết giai cấp. Đảng phải tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng; đồng thời, “phải đuổi cổ ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược”4. Chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng trong xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, v.v.

Một trong những cống hiến đặc sắc của V.I. Lênin đối với kho tàng lý luận của phong trào cộng sản và công nhân thế giới là Ông đã đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới” (NEP) thay thế “chính sách cộng sản thời chiến”. V.I. Lê nin cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô viết, cần tập trung vào các biện pháp khẳng định tính thiết yếu của việc thực hiện các hình thức “quá độ gián tiếp”, những “biện pháp trung gian”, “quá độ đặc biệt” của Chính sách kinh tế mới. Cụ thể là, cần phải phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đối với một nước tiểu nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” - mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội”; phải học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản; kiên quyết phản đối “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”; củng cố chính quyền xô viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ hành chính, tổ chức và kinh tế là biện pháp tốt nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, “cần thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê và kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm” của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội, trên cơ sở liên minh kinh tế để tăng cường củng cố liên minh công nông về chính trị. Những quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội của V.I. Lênin đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng cơ chế và quy luật thị trường, tạo ra đòn bẩy kinh tế để giải phóng lực lượng sản xuất, kích thích sản xuất và tính tích cực của người lao động. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất của thời kỳ quá độ cần vận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý của chủ nghĩa tư bản, sử dụng các chuyên gia tư sản có tài vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội. Xây dựng và phát triển nền dân chủ, nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát huy những “sáng kiến vĩ đại” của quần chúng nhân dân, v.v. Bằng cách đó, NEP đã tạo ra nguồn lực và động lực mới cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. 

Cùng với Chính sách kinh tế mới, V.I. Lênin còn đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn nước Nga. Theo Người, “danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa”5. V.I. Lênin và Đảng Cộng sản Liên xô đã có điều chỉnh lớn về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản…” ở chỗ, “chuyển trọng tâm của cách mạng vào phát triển kinh tế và văn hóa.”6. Việc nhận thức lại cho rõ về thời kỳ quá độ, cấu trúc của các thành phần kinh tế của nước Nga đương thời cũng là một bước tiến của tư duy về chủ nghĩa xã hội. Theo V.I. Lênin, nước Nga - một nước kinh tế còn lạc hậu, tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó nền kinh tế có “sự đan xen”, “những mảnh của chủ nghĩa xã hội” với “những mảnh của chủ nghĩa tư bản”. Trạng thái ấy làm cho các yếu tố của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố của chủ nghĩa tư bản vừa đấu tranh, cạnh tranh với nhau, vừa nương tựa, thâm nhập vào nhau. Mối quan hệ chủ đạo giữa “các mảnh” hay các thành phần kinh tế đó là quan hệ giữa sản xuất, trao đổi, lưu thông trên cơ sở của trao đổi hàng hóa theo nguyên tắc thị trường, v.v. Chính sách kinh tế mới gợi mở một trong những điều sâu xa về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội; nó là một phức hợp kinh tế - chính trị và văn hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động. Đó thực sự là những bảo đảm cho sức sống và triển vọng của chủ nghĩa xã hội, v.v.

Một trong những di sản tư tưởng của V.I. Lênin để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là vai trò của quần chúng nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản với quần chúng nhân dân. Theo Người, “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”7. Bởi, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của  Đảng Cộng sản. Là chủ thể của lịch sử, nhưng quần chúng nhân dân chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh và vai trò sáng tạo một khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để đảm bảo cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành thắng lợi, giai cấp công nhân phải tự tổ chức ra được chính đảng độc lập, biết thuyết phục, giác ngộ và tập hợp đông đảo quần chúng, huấn luyện quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh; mặt khác, bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào cuộc cách mạng ấy. Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ phải làm gì và làm như thế nào một cách tự giác thì “cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn”, tức là phải tiến hành công tác vận động quần chúng. Trong tác phẩm Làm gì (1901), V.I. Lênin cho rằng “1) Không một phong trào cách mạng nào mà lại vững chắc được nếu không có một tổ chức ổn định và duy trì được tính liên tục gồm những người lãnh đạo; 2) Càng có đông đảo quần chúng được thu hút tự phát vào cuộc đấu tranh, tạo thành cơ sở cho phong trào và tham gia phong trào, thì càng cấp thiết phải có một tổ chức như thế và tổ chức ấy lại càng phải vững chắc”8. Hơn nữa, Người còn khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò lãnh đạo và mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng: “Về nguyên tắc, đảng cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì được nữa”9, “Chúng ta cần những đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo những quần chúng đó”10, “một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”11. Theo V.I. Lênin, Đảng Cộng sản phải “Sống trong lòng quần chúng/Biết tâm trạng quần chúng/Biết tất cả/Hiểu quần chúng/Biết đến với quần chúng/Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”12, v.v.

Trước hếtphải làm tốt công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của V.I. Lênin về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cội nguồn sức mạnh, thể hiện tính chính danh và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta; đồng thời, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam; lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, Đảng phải luôn được đổi mới và chỉnh đốn để hoàn thiện mình; có đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; các tổ chức của Đảng được xây dựng chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cán bộ, đảng viên của Đảng phải là công bộc của dân, “dĩ công vi thượng”, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, không có những biểu hiện suy thóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chấp hành nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm; đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng phải thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm phong phú thêm tư duy lãnh đạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới; tránh giáo điều, bảo thủ, trì trệ, duy ý chí.Đi tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người từ thực tiễn khái quát thành lý luận: muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải “làm đúng quy luật”, phải “thuận lòng dân” và phải “hợp với thời đại”, tận dụng mọi thành tựu kinh tế - kỹ thuật và quản lý của chủ nghĩa tư bản, sử dụng cả chuyên gia tư sản có tài vào mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội. Có chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường, chỉ lối, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam mới tìm được con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của nhân dân ta đã giành thắng lợi; công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Di sản tư tưởng của V.I. Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, trở thành giá trị và sức sống để làm nên thắng lợi.

Hai làluôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới. Theo quy luật phát triển, xã hội loài người tất yếu sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tiếp nối quan điểm của Mác, V.I. Lênin đã khẳng định điều đó. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và các văn kiện các đại hội tiếp theo của Đảng cũng đã khẳng định là trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đồng thời khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hộiDân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Quán triệt tinh thần đó, trong nhận thức và hành động, lời nói và việc làm phải luôn kiên định mục tiêu con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, xét lại muốn nước ta từ bỏ chủ nghĩa xã hội, phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. 

Ba làđẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để xây dựng được nền kinh tế đó, phải thiết lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước với tư cách là vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật; khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế; đồng thời, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Đề cao vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Bốn làphát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Quan triệt tư tưởng của V.I. Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng ta hết sức coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân lao động; coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng là phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết sách của cấp ủy, chính quyền các cấp phải xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân, Đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần và tâm tư, nguyện vọng của người dân

Di sản tư tưởng của V.I. Lênin mãi mãi soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới và trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin và những người sáng lập, nhưng những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản. Dù con đường đi có khác nhau, lâu dài, trải qua những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra.

Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM

Nguồn: TC  Quốc phòng toàn dân (13/4/20202)


____________________

1 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 26, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, tr. 281.

2 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, tr. 32.

3 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 28, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1979, tr. 289.

4 - V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, tr. 154.

5 - Sđd, Tập 36, tr. 362.

6 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 45, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1977, tr. 428.

7 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập39, NxbTiến bộ,Mátxcơva, 1979, tr. 251.

8 - Sđd, Tập 6, tr. 158-159.

9, 10 - Sđd, Tập 41, tr. 479.

11 - Sđd, Tập 44, tr. 426.

12 - Sđd, tr. 408.

Liên hệ